GIỚI THIỆU KHÁI QUÁT VỀ HUYỆN TIÊN PHƯỚC - TỈNH QUẢNG NAM
I. KHÁI QUÁT CHUNG
1. Vị trí địa lý và địa hình:
Huyện Tiên Phước nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Nam có tọa độ địa lý từ 15o20’00” đến 16o36’00” Vĩ độ Bắc và 15o20’00” 108o04’46” đến 108o27’56” Kinh độ Đông, cách thành phố Tam Kỳ 25 km. Phía Bắc giáp với huyện Thăng Bình, phía Nam giáp với huyện Bắc Trà My, phía Đông giáp huyện Phú Ninh, phía Tây giáp huyện Hiệp Đức. Địa hình huyện Tiên Phước nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Căn cứ vào điều kiện địa hình, có thể chia huyện Tiên Phước thành 3 vùng gồm:
Vùng địa hình đồi núi: chiếm 55% tổng diện tích tự nhiên của huyện, phân bố chủ yếu ở phía Tây, Tây Nam và phía Bắc của huyện gồm các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp, Tiên Cảnh. Vùng này có độ cao trung bình từ 200 m đến 500m so với mực nước biển và địa hình thấp dần từ Tây sang Đông.
Vùng địa hình gò đồi: là vùng tiếp giáp với vùng đồi núi, phân bố rải rác ở các xã bao gồm các đồi thấp, bát úp hoặc lượn sóng, có độ cao trung bình từ 100m đến 180m và chiếm khoảng 25% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện. Phần lớn diện tích các khu vực gò đồi đã được sử dụng trồng các loại cây lâu năm như quế, tiêu và các loại cây ăn quả khác.
Vùng địa hình thấp dạng bậc thang: dạng địa hình này chiếm khoảng 20% tổng diện tích tự nhiên toàn huyện, bao gồm các khu vực địa hình bậc thang nhỏ lẻ và phân tán. Địa hình này tập trung nhiều hơn ở khu vực trung tâm và khu vực phía Đông huyện. Phần lớn các diện tích này được sử dụng trồng hoa màu và trồng lúa nước.
Nhìn chung, Tiên Phước là huyện có địa hình chia cắt khá mạnh, nhiều xã trong huyện nằm xa trung tâm, xen kẽ trong khu vực núi cao, giao thông không thuận lợi. Điều này dẫn đến nhiều thôn, xã trong huyện gặp khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội. Địa hình vùng thấp là nơi dân cư tập trung sinh sống, phát triển kinh tế: nông nghiệp, giao thông vận tải, giao lưu hàng hóa... là nơi hình thành và lưu giữ các truyền thống văn hóa, di tích lịch sử văn hóa, cách mạng, các kiến trúc cổ của người dân Tiên Phước.
2. Dân số:
Tiên Phước có 14 xã và 1 thị trấn. Tổng dân số trung bình năm 2013 hơn 75 nghìn người, chủ yếu là người Kinh, người dân tộc Cor chiếm khoảng 0,02% dân số. Tiên Phước là địa phương có số dân tương đối cao của tỉnh Quảng Nam, mật độ dân số 165người/km2, tốc độ tăng dân số 1.5%. Tổng số lao động toàn huyện hơn 34.000 người, chiếm 45% dân số; lao động tập trung ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp 85%, tiểu thủ công nghiệp 8.5%, dịch vụ 4.7% và các ngành quản lý 1.8%.
3. Lịch sử hình thành:
Tiên Phước tự hào là mảnh đất đã sinh ra các bậc đại khoa, tiến sĩ, phó bảng và các nhà yêu nước hào kiệt khác. Trong con số không nhiều ấy, tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng và Phó bảng Phan Châu Trinh đã trở thành những nhân vật lịch sử nổi tiếng với lòng yêu nước thương dân, hai ông không ra làm quan như các nhà khoa bảng khác mà cả cuộc đời của mình chỉ mưu cầu độc lập, dân quyền cho dân tộc Việt Nam. Tiên Phước là địa bàn đóng quân của Nghĩa hội Cần Vương kháng Pháp, là trung tâm của làn sóng Duy Tân hồi đầu thế kỷ XX. Các địa danh Dốc Miếu, Nà Lầu, Gò Nha, Dương Đế, Bàu Ông Trấn, Phú Lâm gắn với tên tuổi các nhà yêu nước Lê Vĩnh Huy, Lê Cơ, Trần Huỳnh... là niềm tự hào trong lòng dân Tiên Phước. Tiên Phước còn là một trong những điểm khởi đầu phong trào chống sưu thuế của nhân dân Trung Kỳ trong năm 1908; là nơi có sự tham gia tích cực và điểm nổi dậy duy nhất của cuộc vận động khởi nghĩa do Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo vào năm 1916.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Tiên Phước là hậu phương vững chắc của Cách mạng, các cơ quan của Khu uỷ, Tỉnh uỷ, Tỉnh đội...đã chọn Tiên Phước làm nơi đứng chân để chỉ đạo phong trào. Trong 21 năm chống Mỹ cứu nước, nhân dân Tiên Phước lại ghi tiếp những trang sử chói ngời chiến công. Tiên Phước, “Vùng đất thánh” của Cách mạng khu V đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu toàn tỉnh đồng khởi “diệt ác”, “phá kèm”. Thắng lợi của chiến dịch “Vượt sông Tranh giải phóng Lãnh - Ngọc”, “Vượt sông Tiên giải phóng Sơn- Cẩm- Hà” quân và dân Tiên Phước đã biến 6 xã miền núi phía Tây của tỉnh trở thành vùng căn cứ vững chắc của cách mạng, tạo những điều kiện thuận lợi để cách mạng Quảng Nam và khu V tiến công xuống đồng bằng. Để rồi, mùa xuân năm 1975, Tiên Phước vinh dự được chọn làm nơi nổ phát súng đầu tiên mở màn cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Quảng Nam.
Hoà cùng công cuộc đổi mới đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, cán bộ và nhân dân huyện nhà phát huy truyền thống yêu nước, cách mạng, tập trung trí tuệ, sức lực, khai thác tối đa các nguồn nội lực, tranh thủ đầu tư hỗ trợ giúp đỡ của tỉnh, trung ương, tập trung khai thác tối đa các tiềm năng thế mạnh của một huyện trung du miền núi phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân đã đạt được những thành tựu quan trọng.
4. Điều kiện tự nhiên:
Tiên Phước có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng với nhiều loại khoáng sản như: vàng sa khoáng, colin, cát, sỏi, cao lanh; nhiều loại gỗ quý như lim, chò, gõ...; hơn 500 loại dược liệu thuộc 135 loài thực vật, nhiều động vật rừng quý hiếm như voi, heo rừng, nhím, tê tê, ong... có nhiều loại cây trồng đặc sản có giá trị kinh tế cao như tiêu, dó bầu, chè, lòn bon, thanh trà, quế, măng cụt, chuối... Đặc biệt, tiêu Tiên Phước có hương vị đặc trưng không gì có thể sánh được. Dó bầu là cây đặc sản có giá trị kinh tế cao với trầm hương, trầm cảnh kiểu dáng phong phú, độc đáo, lạ mắt. Đây chính là những tiềm năng tạo nên thế mạnh cho Nông nghiệp, CN - TTCN phát triển.
Tiên Phước có 02 con sông chính là sông Tranh và sông Tiên. Ngoài ra còn có một số sông, suối nhỏ như: sông Yên, sông Tum, sông Cà Đong... Sông Tranh dài 23 km chảy qua xã Tiên Lãnh, nguồn nước của sông này được sử dụng xây dựng các công trình thuỷ điện quy mô lớn. Sông Tiên dài 43 km chảy qua các xã Tiên An, Tiên Lộc, Tiên Cảnh, Tiên Kỳ, Tiên Châu, Tiên Hà. Sông Tiên có nhiều tên gọi: từ địa phận Tam Kỳ chảy vào đầu Tiên Lộc gọi là sông Bồng Miêu; từ đầu Tiên Lộc đến đầu Tiên Kỳ gọi là sông Tiên; từ đầu Tiên Kỳ đến cuối Tiên Hà gọi là sông Khân, từ cuối Tiên Hà chạy qua địa phận Hiệp Đức gọi là sông Chang. Tiên Phước là một huyện trung du nên khí hậu trong vùng tương đối khắc nghiệt, nhiều hạn hán, thiên tai. Phần lớn diện tích trong vùng là đất nông nghiệp nhưng kém màu mỡ và tỷ lệ đất thịt rất thấp. Đây là một vùng kinh tế nghèo của tỉnh Quảng Nam. Do đặc điểm cấu tạo địa hình nên sông Tiên - con sông chảy quanh địa bàn huyện được mệnh danh là “con sông chảy ngược”, không xuôi về biển Đông mà ngược về hướng Tây-Nam, đổ ra sông Thu Bồn.
5. Hệ thống đô thị huyện Tiên Phước:
Cùng với sự phát triển kinh tế và xã hội của huyện, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn huyện Tiên Phước tăng nhanh. Thị trấn Tiên Kỳ là trung tâm chính trị, văn hóa xã hội của huyện được Quy hoạch từ nhũng năm 1985 và được điều chỉnh, mở rộng quy hoạch xây dựng với tổng diện tích 450 ha và định hướng phát triển đến năm 2025 thành đô thị loại IV. Là một trong cá thể được định hướng phát triển trong chuổi đô thị phía tây của tỉnh; nơi hội tụ giao thương quan trọng của hành lang kinh tế Đông Tây, gắn kết chặt chẽ với Khu kinh tế mở Chu Lai, Dung Quất, tỉnh Kon Tum và nước bạn Lào qua Đường Quốc lộ 40B.
Cùng với thị trấn Tiên Kỳ, đã hình thành các trung tâm kinh tế, thương mại liên xã như thị tứ Tiên Thọ, trung tâm cụm xã Tiên Lãnh, Tiên Cẩm…đây là các trung tâm phát triển khu vực tạo động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu dân cư nông thôn, góp phần tích cực vào quá trình CNH-HĐH đất nước.
6. Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp:
Giá trị sản xuất CN - TTCN ngày càng tăng cao. Trên địa bàn huyện đã và đang hình thành 6 cụm công nghiệp với tổng diện tích 79.7 ha phục vụ cho sự nghiệp CNH nông nghiệp nông thôn.
Nhiều ngành, nghề truyền thống được khôi phục và phát triển như chuối ép, chổi đốt, mít sấy, bún tươi, cơ khí, mộc dân dụng... giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động.
Các cơ sở sản xuất CN - TTCN đang dần mở rộng quy mô sản xuất, được hỗ trợ chuyển giao công nghệ và các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất.
7. Thương mại - dịch vụ:
Thương mại - dịch vụ huyện Tiên Phước phát triển mạnh. Hiện nay huyện đã quy hoạch mạng lưới cửa hàng xăng dầu, chợ nông thôn, trung tâm thương mại huyện giai đoạn 2011 - 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Với tiềm năng, lợi thế và điều kiện thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là điểm nối giữa các tỉnh Tây Nguyên và khu kinh tế mở Chu Lai thông qua tuyến giao thông huyết mạch - đường Nam Quảng Nam, Tiên Phước rất thuận lợi cho việc đầu tư phát triển công nghiệp và các ngành nghề kinh doanh dịch vụ trong tương lai.
8. Văn hóa đặc trưng:
Hiện nay trên địa bàn huyện còn lưu giữ trên 50 ngôi nhà cổ thuần Việt hàng trăm năm tuổi, với những ngõ đá rêu phong thơ mộng, cảnh đẹp thiên nhiên hiền hòa… mà nổi bật là làng cổ Lộc Yên - xã Tiên Cảnh. Tiên Phước còn là vùng đất có truyền thống văn hóa từ lâu đời. Những trầm tích của nền văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện trên đôi bờ sông Tiên, sông Tranh đã phát họa sơ lược bức tranh thời tiền sử ở vùng Tiên Phước, là minh chứng cho sự tồn tại của những người cổ trên địa bàn Tiên Phước cách ngày nay khoảng 2000 - 2500 năm. Dấu tích mà họ để lại là những mộ chum và đồ chôn theo đã được các nhà khảo cổ khai quật tại các di tích Gò Miếu, Gò Quảng (Tiên Hà), thôn 4 - Tiên Mỹ và thôn 12 Tiên Lãnh. Cùng với những cư dân vùng đồng bằng, họ đã để lại một nền văn hóa nổi tiếng - văn hóa Sa Huỳnh ở giai đoạn sơ kỳ đồ sắt.
Người Tiên Phước rất ưa thích thơ ca, hò vè, hát hò khoan, hát bội ca ngợi tình người, tình lứa đôi, đức tính thủy chung, tình yêu quê hương đất nước. Hát bội Tiên Phước thuộc dòng tuồng Khánh Thọ, Tam Kỳ. Người dân Tiên Phước còn thích đi săn, vây hội. Vây hội là một hình thức trẩy hội đầu xuân rất độc đáo, có tinh thần thượng võ và tính cộng đồng cao. Vây hội là vây cọp, hoạt động này được tổ chức vào dịp Tết hàng năm, từ ngày 30 tháng Chạp đến mồng 5 hoặc mùng 7 thàng Giêng. Lễ vây hội tồn tại đến trước cách mạng tháng 8 năm 1945, sau đó thì bỏ hẳn.
Hiện nay trên địa bàn huyện có 15 di tích được xếp hạng; trong đó có: 13 di tích cấp tỉnh và 02 di tích cấp Quốc Gia (Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng và Khu căn cứ Tỉnh ủy Quảng Nam tại Tiên Sơn).
Di tích cấp quốc gia Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh Thúc Kháng thuộc xã Tiên Cảnh - huyện Tiên Phước, cách thành phố Tam Kỳ khoảng 35 km về phía tây. Đây là ngôi nhà cũ do thân sinh cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng từ năm 1869, theo lối kiến trúc rất phổ biến dưới thời nhà Nguyễn. Ngôi nhà gồm 3 gian, mái ngói, khung sườn gỗ với những đường nét chạm trổ tinh xảo. Cụ Huỳnh Thúc Kháng sinh năm 1876, quê làng Thạnh Bình - Tiên Phước, là một người thông minh học giỏi, một chí sĩ yêu nước. Sau khi cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, Cụ đã được Hồ Chủ Tịch mời ra tham gia với Chính phủ và có thời gian giữ chức Quyền Chủ tịch nước. Vào ngày 15/4/2013, tại huyện Tiên Phước đã tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Sao Vàng do Nhà nước truy tặng cho Cụ Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây có trưng bày một số di vật và tư liệu có liên quan về thân thế sự nghiệp và cuộc đời hoạt động cách mạng của Cụ.
II. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN TIÊN PHƯỚC ĐẾN 2020
1. Mục tiêu tổng quát:
Tiên Phước trở thành điểm cầu nối trong phát triển kinh tế xã hội của các huyện vùng miền núi phía Tây Nam với các địa phương khác trong tỉnh Quảng Nam và vùng duyên hải Nam trung bộ. Kinh tế phát triển trên cơ sở nền nông nghiệp được tổ chức theo hướng sản xuất hàng hoá, các ngành kinh tế công nghiệp, dịch vụ gắn với nông nghiệp và các điều kiện tài nguyên tự nhiên và lịch sử văn hoá truyền thống của vùng. Đời sống nhân dân đạt mức khá và bằng mức trung bình chung của tỉnh Quảng Nam.
2. Quan điểm phát triển:
- Phát triển nhanh và toàn diện: Tăng trưởng kinh tế nhanh; kết hợp tăng trưởng nhanh với giải quyết vấn đề xã hội, an ninh quốc phòng, giữ gìn bản sắc văn hoá lịch sử truyền thống, tài nguyên môi trường, thực hiện hiệu quả xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống dân trí toàn thể nhân dân trong huyện.
- Phát triển kinh tế trên cơ sở hình thành vùng động lực và các ngành mang tính đặc trưng. Dựa trên cơ sở vị trí địa lý, địa hình đặc điểm tự nhiên, lịch sử xã hội, trình độ và khả năng phát triển, hình thành các vùng kinh tế trên địa bàn huyện, trong đó xác định rõ vùng động lực phát triển của huyện và các hoạt động kinh tế đặc trưng của vùng động lực cũng như các vùng khác trong huyện, tạo cơ sở tạo dựng lợi thế nhờ quy mô trong phát triển kinh tế.
- Nền nông nghiệp được tổ chức theo hướng sản xuất hàng hoá đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Trước hết, dựa theo đặc trưng địa hình, chất đất, các điều kiện khác cho phát triển nông nghiệp, hình thành các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phản ánh thế mạnh của từng vùng trong huyện, trên cơ sở đó đầu tư khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất theo quy mô lớn với các mô hình tổ chức sản xuất tiến tiến, nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Các ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ phát triển cơ sở các điều kiện tài nguyên, lao động, chế biến sản phẩm do nông nghiệp tạo ra.
- Phát triển đột phá ngành du lịch và coi đây là ngành động lực cho phát triển. Cần mạnh dạn đầu tư để biến các tiềm năng du lịch thành lợi thế phát triển mạnh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thiên nhiên, vườn đồi, du lịch lịch sử văn hoá. Xem đây là hướng đột phá cho phát triển kinh tế toàn huyện nói chung, nhất là các xã vùng sâu-xa nói riêng.
- Phát triển kinh tế trên cơ sở mở rộng giao lưu trao đổi hàng hoá với các địa phương khác ngoài huyện. Trong quá trình thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cần tiến hành: Các mối liên kết kinh tế, xã hội giữa các vùng trong huyện; trao đổi hàng hoá, hợp tác đầu tư, cung ứng nguyên vật liệu, vốn… giữa huyện với các huyện khác; cần coi việc thực hiện liên kết kinh tế là điều kiện để thực hiện có hiệu quả các hoạt động kinh tế, nhất là các khâu đột phá cho phát triển thời gian tới như: phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, phát triển các tour du lịch, xây dựng các khu cụm công nghiệp, cung ứng trao đổi nguyên vật liệu, mua bán hàng hoá…
- Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi là khâu then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Trước hết cần hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông tỉnh lộ và các tuyến giao thông nông thôn đối ngoại, kết nối liên vùng, theo hướng nâng cấp hệ thống đường tỉnh lộ, huyện lộ hiện có, bê tông hoá hệ thống giao thông nông thôn. Đây chính là khâu then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và liên kết kinh tế giữa các vùng trong huyện cũng như giữa huyện với các địa phương khác. Hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, cụ thể là cứng hoá kênh mương, xây dựng thêm mạng lưới hồ đập chứa nước để bảo đảm chủ động nước cho mục tiêu phát triển nông nghiệp, cũng như bảo đảm nước cho đời sống sinh hoạt nhân dân, phát triển du lịch sinh thái.
3. Nhiệm vụ phát triển:
- Hình thành một cách hợp lý các vùng kinh tế trên địa bàn huyện. Việc phân vùng kinh tế cần dựa trên cơ sở tính chất giống nhau về vị trí địa lý, địa hình cũng như trình độ và khả năng phát triển trong tương lai. Trên cơ sở hình thành hợp lý các vùng kinh tế, tiến hành xác định cơ cấu ngành, sản phẩm kinh tế đặc trưng thích hợp với điều kiện của từng vùng làm cơ sở cho việc tổ chức các mô hình phát triển kinh tế phù hợp, theo hướng nâng cao tính hàng hoá và tính hiệu quả nhờ quy mô trong sản xuất sản phẩm hàng hoá. Một nhiệm vụ quan trọng trong nội dung này là phải lựa chọn được trên địa bàn huyện những vùng mang tính động lực phát triển, vùng có tiềm năng phát triển và chỉ ra được vùng chậm phát triển.
- Xây dựng, củng cố hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông kết nối giữa huyện với các huyện và tỉnh để huyện thực sự trở thành điểm cầu nối. Nâng cấp hệ thống đường giao thông nội bộ huyện, nhất là đường kết nối giữa các vùng với vùng động lực phát triển của cả huyện, giữa các vùng với nhau cũng như nội bộ các xã, thôn trong từng vùng.
- Lựa chọn khâu đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của huyện, hình thành và phát triển các hạt nhân tăng trưởng từng vùng và các mô hình tổ chức sản xuất hiệu quả cao, bao gồm: phát triển vùng lúa, chăn nuôi đại gia súc; chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát triển khu cụm công nghiệp huyện, khôi phục làng nghề truyền thống và hình thành các làng nghề mới; Đầu tư các dự án phát triển du lịch sinh thái, du lịch đi bộ, du lịch tâm linh, lịch sử, văn hoá, các dự án phát triển cây tiêu, quế, bòng bong... trồng rừng, dự án xây dựng vườn đồi.
- Hoàn thiện chất lượng mạng lưới cơ sở hạ tầng xã hội, cụ thể là cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, một mặt bảo đảm mạng lưới rộng khắp theo nhu cầu của nhân dân trong huyện; mặt khác và quan trọng hơn là nâng cao chất lượng của mạng lưới theo các tiêu chuẩn và thiết chế quy định cho các địa phương phát triển, bảo đảm sự phát triển tương xứng giữa kinh tế với xã hội, nhằm nâng cao thực sự mức sống dân cư trong huyện.
- Kết hợp chính sách nhà nước với chủ trương của tỉnh, huyện để thực hiện tốt công tác xoá đói giảm nghèo theo các chương trình áp dụng cho giai đoạn 2011-2020. Đi đôi với đầu tư phát triển kinh tế cho các vùng động lực tăng trưởng của huyện, cần quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, kỹ thuật cho các xã nghèo, tạo dựng các phương án sử dụng lao động của các xã nghèo cho việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế của huyện và tạo sự lan toả tích cực về kết quả hoạt động kinh tế của vùng động lực đối với các xã nghèo của huyện.
- Xây dựng phát triển mô hình nông thôn mới, tổng kết bài học kinh nghiệm trước khi nhân rộng ra các địa bàn khác, phấn đấu đến 2015 tỷ lệ số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới là 30% và 70% vào năm 2020.
**************o0o****************